Khai thác cơ hội trong những lĩnh vực quan trọng

Ngành dịch vụ

Ngành dịch vụ hoạt động hiệu quả khi được hỗ trợ bởi các quy định trong nước của chính phủ, là những động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế

Khuyến khích tăng cường thương mại dịch vụ thông qua thị trường mở và chính sách không phân biệt đối xử có thể tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện thu nhập được và mức sống tốt hơn.

Ngành dịch vụ đã đóng góp đáng kể vào GDP của cả Australia (khoảng 70%54) và Việt Nam (hơn 51%55). Việt Nam có tham vọng lớn là tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ chiếm 2/3 GDP vào năm 2030, như một phần của chương trình nghị sự Công nghiệp 4.0.

Ngành dịch vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lao động nữ giới. Từ năm 1995 đến năm 2016, tỷ lệ lực lượng lao động nữ giới tham gia vào ngành dịch vụ trên toàn cầu tăng từ 41,1% lên 61,5%56. Tại Việt Nam, ngành dịch vụ có tỷ trọng việc làm của nữ giới lớn nhất (ở mức 36,8% vào năm 2019)57. Tại Australia, nữ giới cũng chiếm đa số lực lượng lao động trong ngành dịch vụ, trong năm 2019-2020 những ngành có tỷ lệ phụ nữ cao nhất là chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội (77,9%); giáo dục và đào tạo (71,6%); thương mại bán lẻ (55,2%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (54,5%); và hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (52,9%)58.

Xuất khẩu dịch vụ đã bị ảnh hưởng đáng kể và tiêu cực bởi COVID-19. Nhưng đồng thời, COVID-19 cũng tăng cường chuyển đổi và ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số, giao dịch thương mại trực tuyến và dịch vụ hậu cần (logistics).

Thương mại

Phần lớn các dịch vụ xuất khẩu trị giá 1,8 tỷ đô la Úc của Australia sang Việt Nam trong năm 2019 là các dịch vụ du lịch liên quan đến giáo dục hoặc du lịch giải trí59. Một số công ty Australia đang tham gia vào những ngành nghề như kế toán, kinh doanh và tiếp thị, kinh tế, thiết kế, tài chính, pháp lý, y tế, đào tạo, ngân hàng và bảo hiểm tại Việt Nam.

Thương mại dịch vụ của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tăng trưởng thương mại hàng hóa. Nhập khẩu dịch vụ của Australia từ Việt Nam trong năm 2019 tập trung vào du lịch giải trí (1,2 tỷ đô la Úc) và dịch vụ vận tải (206 triệu đô la Úc)60.

Đầu tư

Các công ty dịch vụ nổi tiếng của Australia đã đầu tư vào Việt Nam kể từ khi công cuộc cải cách Đổi mới vào năm 1986. Các công ty bao gồm Telstra, ANZ, Allens-Linklaters và bảo hiểm QBE.

Các công ty Linfox, Toll và TMI Insights của Australia đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực logistics của Việt Nam. Tập đoàn bất động sản Logos của Australia đang đầu tư 350 triệu USD để mua lại các cơ sở logistics hiện đại, chất lượng cao tại Việt Nam, nhằm phục vụ một thị trường năng động đang mở rộng nhanh chóng.

Công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam FPT Software đã có mặt tại Australia từ năm 2008. Vietcombank, ngân hàng lớn nhất Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy kế hoạch thành lập chi nhánh ở Australia tại Sydney.

logistics
Các doanh nghiệp Australia như Linfox đang đầu tư vào lĩnh vực hậu cần (logistics) tại Việt Nam. Ảnh của Bernd Dittrich thuộc Unsplash

Những cơ hội trong tương lai

Tiềm năng là rất lớn cho tăng trưởng thương mại dịch vụ giữa Australia và Việt Nam, đặc biệt là trong các dịch vụ chuyên nghiệp, tài chính, y tế, khai thác mỏ chuyên biệt cũng như trong các lĩnh vực mới nổi khác như dịch vụ kỹ thuật số và thương mại điện tử. Việc tư nhân hóa trong các lĩnh vực tại Việt Nam đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Australia và công nghệ mới.

Nhu cầu của doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân mới nổi tại Việt Nam đối với dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp và quản trị doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng, giúp tạo thêm cơ hội cho các công ty dịch vụ chuyên nghiệp của Australia.

Dịch vụ đào tạo phi công của Australia đã là một lĩnh vực đang phát triển trước đại dịch COVID-19. Đại học RMIT đang xúc tiến kế hoạch thành lập một chương trình đào tạo phi công chính thức tại Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các dịch vụ y tế (bao gồm 'du lịch y tế') và các dịch vụ giáo dục (bao gồm thông qua hợp tác với các trường đại học Australia như Đại học RMIT và Đại học Swinburne).

Các doanh nghiệp Australia có cơ hội tiếp cận trình độ chuyên môn ngày càng tăng của lực lượng lao động Việt Nam, bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin (ICT) để tăng khả năng cạnh tranh.

Hơn nữa, ngành logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế Việt Nam. Trong Chỉ số hiệu suất logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp hạng 39/160 quốc gia, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ ba trong số các nước ASEAN và cao nhất trong số các thị trường mới nổi61Chính phủ Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics đạt 5-6% GDP đến năm 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15 đến 20%, và Việt Nam theo chỉ số LPI trên thế giới xếp hạng 50 trở lên62. Các doanh nghiệp Việt Nam và Australia có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ngành dịch vụ

Ngành dịch vụ khi được hỗ trợ bởi các quy định hợp lý có hiệu quả của chính phủ sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của cả hai nước.

Xem kế hoạch thực hiện
Footnotes
  • [54] Dựa trên dữ liệu của ABS, danh mục 5206.0
  • [55] CIA.gov 2021, The World Factbook - Vietnam, xem ngày 1 tháng 10 năm 2021, https://www.cia.gov/the-world-factbook/countries/vietnam/
  • [56] Phụ nữ tại nơi làm việc: Xu hướng 2016, 2016, Văn phòng Lao động Quốc tế, Geneva, tr. xiii
  • [57] Barcucci et al., op.cit.
  • [58] Cục Thống kê Australia 2020, Chỉ số Giới tính, Australia, Khối Thịnh vượng chung Australia, Canberra đã xem ngày 1 tháng 10 năm 2021, https://www.abs.gov.au/statistics/people/people-and-communities/gender-indicators-australia/latest-release
  • [59] Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, phù hợp với danh mục 5368.0.55.004 của ABS
  • [60] Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, phù hợp với danh mục 5368.0.55.004 của ABS
  • [61] Ngân hàng Thế giới 2018, Kết nối để Cạnh tranh 2018: Logistics Thương mại trong Nền kinh tế Toàn cầu, xem ngày 1 tháng 10 năm 2021 https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/29971/LPI2018.pdf
  • [62] Thông tin được cung cấp bởi Chính phủ Việt Nam