Chiến lược - Phần 5

Thúc đẩy thương mại quốc tế tự do và cởi mở

Australia và Việt Nam công nhận hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ là cơ sở cho thương mại quốc tế mở dựa trên các nguyên tắc thị trường, phù hợp với các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới và các Hiệp định Thương mại Tự do khu vực (FTA).

Việc hai nước tham gia vào các FTA trong khu vực sẽ dẫn đến hầu hết hàng hóa giao dịch giữa Việt Nam và Australia chịu mức thuế rất thấp chỉ từ 0-5%.

Việt Nam và Australia hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương, đặc biệt là các cơ chế do Liên hợp quốc và ASEAN dẫn dắt. Australia tiếp tục khẳng định tiếng nói tích cực, ủng hộ vai trò trung tâm và nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, bao gồm đảm bảo an ninh hàng hải và đường hàng không; an toàn và tự do trong hàng hải và hàng không; thúc đẩy quyền của các quốc gia tham gia các hoạt động khai thác tài nguyên biển hợp pháp và ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây là những điều kiện cơ bản để đảm bảo thúc đẩy thương mại tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai nước nhất trí hợp tác với các đối tác để giải quyết các thách thức kinh tế và điều khoản ép buộc trong kinh doanh.

Tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ

Việt Nam và Australia đều là thành viên của WTO, thời gian Australia tham gia là kể từ khi WTO được thành lập vào tháng 1/1995 và Việt Nam là từ tháng 1/2007. Australia là nước ủng hộ tích cực Việt Nam trong việc gia nhập WTO, bao gồm thông qua hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ gia nhập WTO.

Australia và Việt Nam hợp tác trong Nhóm các nước có lợi ích xuất khẩu nông sản (Nhóm Cairns), nhóm do Australia điều phối trong WTO ủng hộ tiếp tục tự do hóa thương mại nông nghiệp.

Australia và Việt Nam đều là những nước ủng hộ Tuyên bố Buenos Aires năm 2017 về Phụ nữ và Thương mại nhằm hướng tới xóa bỏ rào cản và tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thông qua nâng cao sự tham gia của phụ nữ trong thương mại quốc tế.

Australia đang tiếp xúc với các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, và New Zealand để nỗ lực tăng cường hỗ trợ khu vực trong cải cách WTO. Cuộc đối thoại có thể giúp Australia và Việt Nam xác định các lĩnh vực có cùng mối quan tâm trong các cuộc đàm phán đa phương, các sáng kiến nhiều bên và cải cách trong WTO.

Triển khai các Hiệp định Thương mại Tự do và Tổ chức khu vực mà Việt Nam và Australia là thành viên

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia và New Zealand (AANZFTA)

Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) là một hiệp định giữa các nước thành viên ASEAN (Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), Australia và New Zealand. Hiệp định giúp các nước thành niên được hưởng những ưu đãi về cắt giảm thuế và ổn định cho các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư. AANZFTA có hiệu lực vào tháng 1 năm 2010 đối với cả Australia và Việt Nam. Một bản nâng cấp của hiệp định hiện đang trong quá trình đàm phán để đảm bảo tính hiện đại và chất lượng cao của hiệp định có tính liên quan tới doanh nghiệp, củng cố chuỗi cung ứng khu vực và hỗ trợ phục hồi kinh tế dài hạn sau đại dịch.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam. CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với Australia và ngày 14/1/2019 đối với Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

RCEP là một hiệp định thương mại tự do khu vực, sẽ bổ sung và xây dựng dựa trên các Hiệp định Thương mại Tự do hiện có giữa Australia và Việt Nam với 13 quốc gia khác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là một hiệp định thương mại tự do hiện đại và toàn diện bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và tạo ra các quy tắc mới cho thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, cạnh tranh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

Australia là thành viên sáng lập APEC năm 1989 và Việt Nam đã gia nhập vào năm 1998. Australia và Việt Nam hợp tác trên mọi phương diện trong khuôn khổ của APEC, song song với các quan hệ về hỗ trợ kinh tế đã được xây dựng thông qua các hiệp định AANZFTA, CPTPP, RCEP và hợp tác thương mại và phát triển song phương.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại Tự do

Các doanh nghiệp Australia và Việt Nam được khuyến khích tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do hiện thời. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, Việt Nam đã ra mắt Cổng thông tin Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam vào tháng 12/2020, để các doanh nghiệp tận dụng tối đa mạng lưới các Hiệp định Thương mại Tự do của Việt Nam:

https://fta.moit.gov.vn/

Các doanh nghiệp Australia có thể tìm kiếm các cơ hội thương mại mới thông qua Cổng thông tin Hiệp định Thương mại Tự do của Chính phủ Australia:

https://ftaportal.dfat.gov.au/

Xúc tiến thương mại và đầu tư tự do và cởi mở

Australia và Việt Nam công nhận hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ là cơ sở cho thương.mại quốc tế mở dựa trên các nguyên tắc thị trường.

Xem kế hoạch thực hiện