Đây chính là lúc để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Australia. Điều này sẽ giúp hai nước phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Chiến lược này và Kế hoạch thực hiện đi kèm đề ra một tầm nhìn về lý do tại saovà làm thế nào chúng ta có thể hợp tác để đạt mục tiêu trở thành một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Chiến lược này tập trung vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng mà Việt Nam và Australia đều có thế mạnh đặc biệt để xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư, đồng thời đây cũng là những lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất giúp hai nước phục hồi sau đại dịch và đạt được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược này.
Bối cảnh kinh tế và Chiến lược toàn cầu
Tăng trưởng kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang định hình lại bối cảnh thế giới. Khu vực này chiếm 58% dân số thế giới, 63% GDP của thế giới1 và 46% thương mại hàng hóa của thế giới2. Việt Nam và các quốc gia thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là trung tâm của khu vực sôi động này.
Đại dịch đã và đang có tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế dù phát triển hay đang phát triển đều rơi vào tình trạng suy thoái toàn cầu trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Phục hồi sau COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm là những đặc điểm chính của Chiến lược và Kế hoạch thực hiện này. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho Australia và Việt Nam, đồng thời góp phần vào sự phục hồi rộng hơn của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhận thức rằng một quốc gia không thể đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, lâu dài nếu không đảm bảo sự tham gia của mọi người dân và COVID-19 đã gây ra những tác động không đồng đều tới phụ nữ và trẻ em gái, cả hai nước đã cam kết rằng Chiến lược sẽ đảm bảo các nguyên tắc đa dạng, bao trùm, hòa nhập và bình đẳng.
Để ghi nhận tầm quan trọng của việc nữ giới tham gia bình đẳng vào nền kinh tế, Chiến lược sẽ hỗ trợ các sáng kiến trao cơ hội và loại bỏ các rào cản đối với việc tham gia và lãnh đạo của nữ giới trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, ở tất cả các cấp và trong tất cả các lĩnh vực.
Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Australia và Việt Nam
Ngày 26/2/1973, Việt Nam và Australia đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, mối quan hệ nhân dân giữa hai nước không ngừng lớn mạnh, bao gồm thông qua du lịch, kinh doanh, giáo dục và di cư dài hạn. Hiện có gần 300.000 người gốc Việt sống ở Australia và tiếng Việt là ngôn ngữ được nói nhiều thứ năm ở Australia. Nhiều người Úc đã đến Việt Nam để du lịch, có những người đến sống ở Việt Nam để xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước hoặc đã di cư đến Việt Nam với gia đình của họ.
Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Australia rất bền chặt, dựa trên sự tin tưởng, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2009 và nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 3 năm 2018 với cam kết phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương, và theo đuổi thương mại và đầu tư cởi mở hơn thông qua hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực. Australia và Việt Nam đã nhất trí Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược vào ngày 5/11/2020 trong giai đoạn 2020 - 2023.
Thêm vào đó, năm 2019 Australia và Việt Nam đã nhất trí xây dựng Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế với mục tiêu hai nước trở thành một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Điều này phản ánh cam kết chung trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược năm 2018.
Việt Nam có nền kinh tế mạnh mẽ và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư
Kể từ khi cải cách Đổi mới bắt đầu vào năm 1986, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế - xã hội đáng kể. Được định hướng theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (SEDS) 2011-2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,2%/năm3. Đồng thời, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi4.
Nền kinh tế Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ trong và ngoài nước. Sự nhanh chóng trong công nghiệp hoá, sự gần gũi về địa lý với các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và đề cao tự do hóa thương mại đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tập trung phát triển thương mại nhất trên thế giới. Điều này được chứng minh qua những bước tiến trong bảng xếp hạng quốc tế về chỉ số cạnh tranh và thuận lợi kinh doanh của Việt Nam, cụ thể là:
- Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Việt Nam là điểm đến được xếp hạng 19 trên toàn cầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 2020, tăng 5 bậc so với năm 20195;
- Xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tăng 10 bậc lên vị trí thứ 67 (bước nhảy vọt lớn nhất của bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới) vào năm 2019;
- Theo Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 12 bậc từ vị trí 82 trong năm 2016 lên vị trí thứ 70 trong năm 2020; và
- Tỷ lệ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên GDP (một chỉ số tích cực quan trọng của môi trường kinh doanh) thuộc hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với 6,2% trên tổng GDP năm 20196.
Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam được củng cố một phần là nhờ tỷ lệ tham gia ngày càng tăng của lực lượng lao động nữ. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tham gia lao động nữ cao nhất thế giới. Tính đến năm 2019, khoảng 79% nữ giới từ 15 đến 64 tuổi tham gia lực lượng lao động, so với nam giới là 84%. Con số này vẫn luôn liên tục được duy trì ở mức cao trong khoảng hai thập kỷ qua7.
Mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tương đối cao trong gần hai thập kỷ vừa qua, sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong lĩnh vực lao động, khởi nghiệp và trong nền kinh tế ở Việt Nam cũng như ở Australia và các nước khác.
Nền kinh tế tiên tiến của Australia vẫn kiên cường
Kể từ đầu những năm 1990, tốc độ tăng trưởng GDP của Australia đã đạt trung bình 3,2% mỗi năm (cao hơn bất kỳ nền kinh tế tiên tiến lớn khác trên thế giới8). Nền kinh tế Australia đã ghi nhận một giai đoạn tăng trưởng kinh tế chưa từng có, chỉ bị gián đoạn bởi ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Nhu cầu rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và nông sản từ các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã và đang là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và hội nhập khu vực đối với Australia. Nhu cầu ngày càng tăng từ khu vực đối với giáo dục, du lịch và các dịch vụ chuyên nghiệp khác của Australia cũng đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước này. Sức mạnh và khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế Australia cũng dựa trên quản trị tốt và các thể chế mạnh mẽ.
Thành công kinh tế của Australia được phản ánh trong các biện pháp cạnh tranh quốc tế và mức độ thuận lợi kinh doanh, bao gồm:
- Tính đến năm 2020, Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới, với GDP hàng năm gần 1,4 nghìn tỷ USD9;
- Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 xếp hạng Australia ở vị trí thứ 16;
- Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020 đã xếp hạng Australia ở vị trí 14.
Australia nhận thấy thành công liên tục của nền kinh tế của mình phụ thuộc vào việc đảm bảo việc tham gia của lực lượng lao động nữ giới và an ninh kinh tế của nữ giới. Vào tháng 5 năm 2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới tại Australia là 61,8% và chênh lệch về thu nhập giữa nam giới và nữ giới vẫn tồn tại ở mức 13,4%10.
Để nhận thức các thách thức lâu dài và những thử thách do đại dịch COVID-19 gây ra, Australia tiếp tục ưu tiên sự tham gia của nữ giới vào nền kinh tế cùng với một loạt các biện pháp được đưa ra, ví dụ như trong Tuyên bố An ninh Kinh tế Phụ nữ 2020 và Tuyên bố ngân sách phụ nữ 2020-21.
Quan hệ thương mại căn bản
Có rất ít cạnh tranh trực tiếp trong cơ cấu thương mại giữa Australia và Việt Nam mà thay vào đó là sự bổ sung mạnh mẽ, mang lại cơ hội hợp tác thương mại sâu sắc hơn. Qua thời gian, Việt Nam đã sản xuất đa dạng hoá các sản phẩm với số lượng ngày càng lớn hơn, khiến Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn và hấp dẫn hơn đối với khách hàng Australia. Và khi nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển và mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, thì nhu cầu về năng lượng, nguyên liệu thô, thực phẩm và giáo dục cũng tăng lên. Cả hai nước đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, với thế mạnh của mỗi quốc gia giúp đáp ứng nhu cầu của nhau.
Nhập khẩu hàng đầu các hàng hoá của Việt Nam vào Australia (Đô la Úc) |
---|
Thiết bị viễn thông & phụ kiện1.52 tỷ đô la |
Giày dép546 triệu đô la |
Màn hình, máy chiếu và TV448 triệu đô la |
Nội thất, nệm và đệm327 triệu đô la |
Dầu thô221 triệu đô la |
Xuất khẩu hàng đầu của Australia vào Việt Nam (Đô la Úc) |
Than2,045 tỷ đô la |
Quặng sắt và tinh quặng sắt1.106 tỷ đô la |
Động vật tươi sống (ngoại trừ hải sản)525 triệu đô la |
Lúa mì355 triệu đô la |
Nhôm273 triệu đô la |
Trong 20 năm qua, quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam - Australiađã tăng trưởng trung bình 8,6% mỗi năm, nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng thương mại chung của Australia (5,8% một năm trong vòng 20 năm qua) và nhanh hơn mức tăng trưởng thương mại cùng kỳ của Australia với các nước trong khối ASEAN (5,5%). Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều đạt giá trị 14,6 tỷ đô la Úc trong năm 202012.
Sự tăng trưởng về giá trị thương mại của hai nước được phản ánh trong tầm quan trọng tương đương của hai bên trên phương diện là đối tác thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại song phương lớn thứ 19 của Australia trong năm 2000 và vươn lên vị trí thứ 13 trong năm 2020. Đối với Việt Nam, Australia là đối tác thương mại hàng hoá lớn thứ 14 trong năm 202013.
Thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng các đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Australia | |||
---|---|---|---|
2005 | 2010 | 2015 | 2020 |
16 | 17 | 15 | 13 |
Thứ hạng của Australia trong Bảng xếp hạng các đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Việt Nam | |||
2005 | 2010 | 2015 | 2020 |
8 | 9 | 16 | 14 |
Để đáp ứng mục tiêu thương mại của chiến lược này, thương mại song phương giữa hai nước sẽ cần phải tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với thương mại với các đối tác khác. Với khả năng phục hồi kiên cường bền bỉ và có khả năng bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế Australia và Việt Nam, mục tiêu này khả thi khi được hỗ trợ bởi Kế hoạch Triển khai để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực cụ thể.
Quan hệ đầu tư căn bản
Đầu tư song phương giữa Australia và Việt Nam cũng đã tăng lên, nhưng vẫn còn cơ hội để tiếp tục phát triển hơn nữa. Tổng lượng đầu tư hai chiều lên tới 2,17 tỷ đô la Úc vào tháng 12 năm 202015. Để đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược này, vốn đầu tư hai chiều sẽ cần phải tăng gấp đôi lên tới 4,36 tỷ đô la Úc.
Đầu tư của Việt Nam vào Australia (cả trực tiếp lẫn danh mục đầu tư) đã tăng năm lần, từ 155 triệu đô la Úc năm 2008 lên tới 785 triệu đô la Úc trong năm 2020. Đầu tư tăng mạnh từ năm 2010 đến 2014, sau khi hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) chính thức có hiệu lực16. Trong năm 2019, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư vào Australia nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác17. Các nhà đầu tư nổi bật của Việt Nam bao gồm Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn TH trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc.
Tính đến tháng 12 năm 2020, tổng lượng đầu tư của Australia vào Việt Nam là 1,38 tỷ đô la Úc (chiếm 0,51% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam và đứng thứ 20 trong tất cả các quốc gia có đầu tư vào Việt Nam)18. Đầu tư của Australia tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ ăn uống; nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các nhà đầu tư lớn của Australia vào Việt Nam bao gồm Austal, Tập đoàn khoáng chất Blackstone, BlueScope Steel, Tập đoàn CBH, LOGOS, Linfox, Tập đoàn Mavin, Đại học RMIT và tập đoàn SunRice.
Hợp tác phát triển nhằm hỗ trợ thương mại và đầu tư song phương
Việt Nam đã tìm cách huy động hiệu quả các nguồn vốn tài chính cho phát triển, bao gồm hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Với khoản viện trợ phát triển của nước ngoài (ODA) trị giá 78,9 triệu đô la Úc trong năm 2020-21, Australia là một đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ chương trình hội nhập và cải cách kinh tế của Việt Nam.
Aus4Reform – Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tạo ra tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (Aus4Innovation) đã nâng cao năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam, giúp ngành nông nghiệp và lương thực của Việt Nam có sự phát triển bền bỉ, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng, có khả năng đối mặt với những thách thức của thời đại tương lai kỹ thuật số.
Chính phủ Australia cũng đã làm việc với các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để cải thiện hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dự án điển hình là Dự án xây cầu Cao Lãnh do Australia phối hợp với ADB cấp vốn đầu tư, đã giúp thúc đẩy đầu tư lĩnh vực tư nhân và ngành công nghiệp địa phương bằng cách tháo gỡ nút thắt giao thông thiết yếu và giúp kết nối các nhà xuất khẩu với các thị trường lớn ở Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.
Chương trình phát triển nguồn nhân lực Aus4Skills của Australia đã giúp kết nối các chuyên gia của Australia và Việt Nam để phát triển mô hình bền vững giúp nâng cao kỹ năng cần thiết cho các ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó sẽ trang bị cho sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề có năng lực làm việc trong lĩnh vực hậu cần (logistics) để nâng cao năng suất lao động cho Việt Nam.
Những học bổng do Chính phủ Australia tài trợ cho công dân Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác thể chế và nhân dân giữa hai nước lâu dài và tìm ra các giải pháp cho những thách thức chung của hai quốc gia và khu vực.
Chương trình Cựu sinh viên Australia tại Việt Nam hỗ trợ các cựu sinh viên đã từng học tại các trường Đại học Australia để có thể đóng góp cho sự phát triển trong lĩnh vực của họ, cho sự phát triển cộng đồng và quốc gia, đồng thời tăng cường kết nối với Australia. Cựu sinh viên Australia tại Việt Nam am hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam và giúp đỡ các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam.
Hợp tác phát triển giữa Australia và Việt Nam bao gồm tập trung mạnh vào việc tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ, với sự hỗ trợ tham gia của nữ giới vào thị trường lao động và vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ như, sáng kiến Aus4Equality hỗ trợ nông dân Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần (logistics) và các nhà khai thác du lịch của Việt Nam nhằm giúp phục hồi và cải thiện sinh kế cho họ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp do phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số làm lãnh đạo, và thông qua Chương trình Việc làm Tốt hơn của ILO-IFC, Australia tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quyền được có môi trường làm việc tốt thông qua ủng hộ các tiêu chuẩn lao động và trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong các nhà máy may mặc của Việt Nam nơi có lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ.
Ngoài ra, hợp tác phát triển mở rộng giữa Australia và Việt Nam cũng hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong tăng cường an ninh và hệ thống y tế, nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn nhân quyền, tăng cường năng lực thể chế, đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai và trong những lĩnh vực khác. Chính những nỗ lực này, nhờ đó có thể giúp củng cố khả năng phục hồi và tính ổn định của nền kinh tế và xã hội Việt Nam.
QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC AUSTRALIA - VIỆT NAM
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Chiến lược và Kế hoạch thực hiện và làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế của hai nước, Australia và Việt Nam nhất trí củng cố kiến trúc quan hệ cấp cao song phương.
Footnotes
- [1]Số liệu GDP và Dân số dựa trên dữ liệu về Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) năm 2020 của IMF.
- [2]Số liệu về thương mại hàng hóa và dịch vụ của WTO năm 2019.
- [3]Cơ sở dữ liệu IMF WEO tháng 4 năm 2021
- [4]Cơ sở dữ liệu IMF WEO tháng 4 năm 2021, đơn vị tiền tệ quốc gia theo giá hiện hành.
- [5]UNCTAD, 2021, Báo cáo Đầu tư Thế giới 2021: Đầu tư vào Phục hồi Bền vững, New York
- [6]Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới 2019, được xem vào ngày 1 tháng 10 năm 2021 https://data.worldbank.org/indicator/BX.KLT.DINV.WD.GD.ZS?locations=VN
- [7]“Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao nhất trên thế giới.” The Economist, ngày 8 tháng 6 năm 2019. được xem ngày 1 tháng 10 năm 2021, https://www.economist.com/asia/2019/06/08/vietnam-has-one-of-the-highest-shares-of-women-in-work-in-the-world
- [8]Cơ sở dữ liệu IMF WEO tháng 4 năm 2021
- [9]Cơ sở dữ liệu IMF WEO tháng 4 năm 2021, đơn vị tiền tệ quốc gia theo giá hiện hành
- [10]Chính phủ Australia tháng 5 năm 2021, Tuyên bố về ngân sách cho phụ nữ 2021-22, Khối Thịnh vượng chung Australia, Canberra
- [11]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, phù hợp với danh mục 5368.0 của ABS
- [12]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, phù hợp với danh mục 5368.0 của ABS
- [13]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, phù hợp với danh mục 5368.0 của ABS
- [14]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, phù hợp với danh mục 5368.0 của ABS
- [15]Dựa trên dữ liệu đầu tư của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, phù hợp với danh mục 5352.0 của ABS
- [16]Dựa trên dữ liệu đầu tư của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, phù hợp với danh mục 5352.0 của ABS
- [17]‘Doanh nghiệp Việt Nam rót hơn 500 triệu đô la Mỹ ra nước ngoài trong năm 2019, thị trường Australia đứng đầu danh sách ", Vietnam Times, ngày 19 tháng 12 năm 2019, xem ngày 1 tháng 10 năm 2021 https://vietnamtimes.org.vn/vietnamese-firms-pour-over-us-500-million-abroad-in-2019-australian-market-top-the-list-17428.html
- [18]Thông tin được cung cấp bởi Chính phủ Việt Nam