Người tiêu dùng Việt Nam công nhận thực phẩm và nông sản Australia là sản phẩm chất lượng cao và cao cấp.
Ẩm thực Việt Nam rất được ưa chuộng đối với dân số đa sắc tộc tại Australia. Xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đang tăng lên để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Australia hướng tới sự đa dạng thực phẩm và nông sản chất lượng cao.
Australia đã và đang cung cấp hỗ trợ lâu dài để giúp phát triển ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Công nghệ của Australia đang được sử dụng trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, nhằm cải thiện năng suất, quản lý rủi ro an ninh sinh học và hỗ trợ Việt Nam phát triển các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chiến lược Việt Nam 2017-27 của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) hỗ trợ các ưu tiên của Việt Nam về an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, độ phì nhiêu của đất và hiệu suất của hệ thống cây trồng - vật nuôi, kiến thức và tiếp cận thị trường, tăng giá trị từ rừng và tăng giá trị từ nuôi trồng thủy sản.
Hơn nữa, với 60% tổng số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam là nữ giới33, Australia đang hỗ trợ nữ nông dân ở các tỉnh Lào Cai và Sơn La trong việc chuyển đổi từ cây trồng chủ lực sang cây trồng mang giá trị kinh tế cao hơn, và cải thiện tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thông qua Sáng kiến Aus4Equality.
Việt Nam và Australia tổ chức hội nghị nông nghiệp song phương thường niên, Diễn đàn Nông nghiệp Việt Nam - Australia (VAAF) để thảo luận về thương mại nông nghiệp song phương và hỗ trợ kỹ thuật trong nông nghiệp. Trong đó, VAAF có ba tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật (thực vật, động vật và hải sản và chính sách) nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác và tiếp cận thị trường song phương.
Thương mại
Năm 2020, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khối ASEAN về xuất khẩu nông nghiệp của Australia, trị giá 1,81 tỷ đô la Úc. Những mặt hàng nông sản xuất khẩu này là đầu vào thiết yếu cho chuỗi giá trị của Việt Nam, giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập trong lĩnh vực chế biến thực phẩm của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu lương thực và nông nghiệp lớn nhất của Australia sang Việt Nam trong năm 2020 bao gồm động vật tươi sống (chủ yếu là gia súc) (525 triệu đô la Úc), lúa mì (355 triệu đô la Úc), trái cây và các loại hạt (145 triệu đô la Úc), chế phẩm từ ngũ cốc (139 triệu đô la Úc), thịt bò (119 triệu đô la Úc), các sản phẩm thực phẩm chế biến (103 triệu đô la Úc), lúa mạch (88 triệu đô la Úc) và các mặt hàng thực phẩm và nông nghiệp khác34
Trong những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản và sản xuất trái cây ở Việt Nam đã tăng trưởng và phù hợp để xuất khẩu hơn. Người tiêu dùng Australia hiện đang có cơ hội được thưởng thức nhiều loại nông sản và thực phẩm từ Việt Nam. Năm 2020, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Australia bao gồm trái cây và các loại hạt (176 triệu đô la Úc), động vật giáp xác (119 triệu đô la Úc), hải sản chế biến hoặc bảo quản đông lạnh (115 triệu đô la Úc), cá tươi và cá đông lạnh (79 triệu đô la Úc) và cà phê (52 triệu đô la Úc)35. Việt Nam hiện đã tiếp cận được thị trường Australia với sản phẩm xoài, vải thiều, nhãn và thanh long, với khối lượng xuất khẩu tăng mạnh. Việt Nam là nhà cung cấp tôm và sản phẩm tôm lớn nhất cho Australia trong năm 2019 và 202036.
Đầu tư
Dự án đầu tư của SunRise, tập đoàn có trụ sở ở Leeton, vào một nhà máy chế biến gạo ở tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam đã giúp đảm bảo nguồn cung cấp gạo cho các thị trường đã phát triển ổn định của công ty này, đặc biệt là ở Nam Thái Bình Dương. Điều này giúp bù lại cho sản lượng sản xuất gạo hàng năm luôn có biến động của Australia do biến động về nguồn nước.
Tuân thủ theo cơ chế đầu tư nước ngoài của Australia, các doanh nghiệp Việt Nam là những nhà đầu tư được chào đón trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia, giúp tạo việc làm ở khu vực nông thôn và các vùng xa. Tập đoàn nông nghiệp TH, công ty sữa tươi lớn nhất Việt Nam, đã đầu tư 130 triệu đô la Úc vào ba trang trại chăn nuôi gia súc ở Lãnh thổ phía Bắc vào năm 2020. Tập đoàn An Viên đã đầu tư 18 triệu đô la Úc vào một trang trại gia súc ở Lãnh thổ phía Bắc vào năm 2016.
Những cơ hội trong tương lai
Ngành kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm đang phát triển của Australia mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà đầu tư vào Việt Nam có mong muốn mở rộng sản xuất thực phẩm và sợi cũng như tăng thêm giá trị cho các ngành công nghiệp chế biến thứ cấp. Những sản phẩm này lại được các nhà sản xuất tại Việt Nam chuyển đổi thành các sản phẩm có giá trị cao hơn để xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Australia có cơ hội lớn đối với việc mở rộng xuất khẩu nông sản sang Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 26,9 tỷ đô la Mỹ nông sản mà Australia có thế mạnh về sản xuất. Tuy nhiên, chỉ có 4,7% trong số này đến từ Australia37. Ví dụ, trái cherry và nho của Australia chỉ chiếm 1/5 lượng nhập khẩu của Việt Nam, mặc dù trái cây của Australia nổi tiếng về chất lượng38.
Australia là một thị trường đầy hứa hẹn đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các loại trái cây và rau quả nhiệt đới. Năm 2020, Australia nhập khẩu gần 800 triệu đô la Úc giá trị nông sản từ Việt Nam. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 3,2% tỷ trọng nhập khẩu của Australia từ tất cả các ngành kinh tế39.
Việt Nam đã đưa ra thỏa thuận trên nguyên tắc vào tháng 1 năm 2021 về việc cho phép tiếp cận thị trường đối với quả đào và trái xuân đào của Australia, nhưng vẫn trong giai đoạn chờ hoàn tất các thỏa thuận kiểm toán. Việc phê duyệt cơ sở chiếu xạ Merrifield gần Melbourne và trung tâm chiếu xạ Hà Nội góp phần giảm đáng kể thời gian và chi phí xử lý cho doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của hai nước. Đầu năm 2021, Việt Nam đã bổ sung tôm hùm đá miền Tây và miền Nam Australia vào danh mục các sản phẩm tươi sống nhập khẩu đã được phê duyệt.
Khi hệ thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phát triển, nhu cầu về công nghệ mới và đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu hướng quốc tế sẽ ngày càng tăng lên. Công ty và các nhà cung cấp dịch vụ Agtech có năng lực cạnh tranh toàn cầu của Australia có tiềm năng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này.
Các dự án nghiên cứu nuôi trồng thủy sản tiếp tục cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản. Các dự án như Rapido của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) sẽ thúc đẩy các hoạt động đánh bắt bền vững và tăng cường trao đổi công nghệ song phương.
AMột diễn đàn thương mại nông nghiệp sẽ giúp tạo điều kiện cho sự tham gia hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp nông nghiệp của Australia và Việt Nam và đồng thời thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Australia và Việt Nam chia sẻ mối quan hệ nông nghiệp mạnh mẽ và đôi bên cùng có lợi, và đây là một khía cạnh quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược mở rộng của cả hai nước.
Footnotes
- [33]Aus4Equality 2021, Tổng quan về ngành nông nghiệp, trang web Aus4Equality, được xem ngày 1 tháng 10 năm 2021 https://equality.aus4vietnam.org/agriculture
- [34]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, danh mục 5368.0 của ABS
- [35]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, danh mục 5368.0 của ABS
- [36]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, danh mục 5368.0 của ABS
- [37]Dựa trên dữ liệu UN Comtrade trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS
- [38]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, danh mục 5368.0 của ABS
- [39]Dựa trên dữ liệu thương mại của ABS trên cơ sở dữ liệu DFAT STARS, danh mục 5368.0 của ABS